Chăn Cứu Hộ Khẩn Cấp Là Gì - Cách Dùng Đúng Cách
Chăn khẩn cấp (Emergency rescue blanket) còn được gọi với những cái tên khác như: Chăn không gian (space blankets), chăn Mylar, mền khẩn cấp, chăn sơ cứu, chăn an toàn, chăn nhiệt, chăn cách nhiệt, hoặc chăn sốc nhiệt. Nó có thiết kế đặc biệt với trọng lượng vô cùng gọn nhẹ có thể mang theo bên mình dễ dàng. Thường được sử dụng trong các trường hợp cứu hộ khẩn cấp, hoạt động sinh tồn, bên ngoài tàu vũ trụ. Có tác dụng chính làm giảm sự mất nhiệt cơ thể, giảm thoát hơi, giảm bức xạ nhiệt v.v..
[toc]
Chăn cứu hộ khẩn cấp là gì?
Chăn không gian (space blankets) được phát triển bởi NASA năm 1964 với mục đích sử dụng là trong không gian cho tàu vũ trụ. Với công dụng phản xạ nhiệt tốt cũng như giá thành rẻ nên chúng được sản xuất hàng loạt và dần phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.
Chăn được sản xuất bằng cách phủ lớp nhôm lên cả hai bề mặt của lớp nhựa mỏng hoặc nylon. Vì vậy ta sẽ thấy lớp sáng bóng của kim loại thông thường là màu vàng hoặc bạc. Tác dụng bức xạ nhiệt của nó lên đến 97% và có khả năng chống bức xạ tia cực tím.
Cách hoạt động của chăn khẩn cấp
Ứng dụng của của Chăn giữ nhiệt rất nhiều nhưng trong bài viết này Đi Outdoor chỉ nói đến ứng dụng đối với cơ thể người trong điều kiện khó khăn - sinh tồn. Nhờ thiết kế với mục đích chính là bức xạ nhiệt, nên chúng được áp dụng trong sơ cứu rất hiệu quả.
Những tác dụng hữu ích giúp vật dụng nhỏ bé này trở thành một vật dụng không thể thiếu trong bộ sơ cứu:
- Lớp giấy bạc bằng nylon kín hơi giảm sự đối lưu không khí bên trong.
- Giảm thoát thân nhiệt do bốc hơi của mồ hôi qua da.
- Phản xạ lại nhiệt lượng do chính cơ thể phát ra, giúp giữ ấm cơ thể tốt hơn.
- Ngăn nhiệt lượng bên ngoài xâm nhập vào bên trong nhờ bức xạ nhiệt
- Ngăn gió, chống gió cho người cần cứu hộ.
Trong điều kiện nóng bức có thể sử dụng làm bóng râm hoặc bảo vệ khỏi bức xạ. Hoặc khi cắm trại, sinh tồn còn được dùng làm lều khẩn cấp, túi ngủ tạm thời.
Có chức năng phản xạ nhiệt lại môi trường và phản xạ nhiệt cơ thể của người mặc trở lại người mặc nên những chiếc chăn này cho vô số công dụng như:
- Dùng để giúp giữ ấm cho các vận động viên marathon khi kết thúc cuộc đua.
- Giữ thân nhiệt cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, vì thuốc gây mê có thể khiến thân nhiệt hạ xuống.
- Những người cắm trại, leo núi, sinh tồn hay bất kỳ ai bị mắc kẹt trong thời tiết lạnh giá đều trang bị trong bộ sơ cứu của họ.
Chăn Cứu Hộ Trong Sinh Tồn
Món đồ quan trọng trong bất kỳ bộ cứu hộ khẩn cấp nào đó là một chiếc chăn giữ nhiệt khẩn cấp. Nó có rất nhiều công dụng tuy nhiên, giữ ấm cơ thể luôn là ưu tiên hàng đầu trong bất kỳ tính huống sinh tồn nào trong tự nhiên.
Ưu điểm lớn của chăn giữ nhiệt là nhẹ, chiếm không gian nhỏ trong balo và giá thành rất rẻ. Một chiếc chăn giữ nhiệt khẩn cấp thông thường có giá chỉ vài chục nghìn và nặng dưới 100 gram. Khi gấp lại có kích thước chỉ bằng một bàn tay nhưng khi mở ra chúng khá lớn khoảng 1m5x2m.
Nếu có thể bạn hãy sử dụng một chăn khẩn cấp màu vàng hoặc cam vì chúng dễ dàng phát hiện trong môi trường tự nhiên.
Giữ ấm cơ thể, sơ cứu
Để giữ ấm cơ thể, tránh hạ thân nhiệt bạn cần quấn chăn quanh người từ vai đến chân giúp giữ nhiệt, che đầu của người cần sơ cứu bằng mũ hoặc khăn quàng cổ tránh mất thêm nhiệt.
Nơi trú ẩn khẩn cấp
Trong trường hợp khó khăn, bạn có thể sử dụng chăn khẩn cấp của mình như một chiếc lều, tấm bạt hoặc chỗ trú. Nó không thấm nước nên sẽ bảo vệ bạn khỏi mưa, tuyết. Nếu ở trong tình huống thời tiết lạnh giá, hãy tận dụng mặt sáng bóng của chăn để phản xạ nhiệt từ lửa trại trở lại bạn. Bề mặt kim loại sẽ dội hơi nóng của ngọn lửa về phía bạn và giúp bạn ấm hơn.
Giữ ấm không gian
Bên cạnh việc sử dụng làm chăn và giữ ấm cơ thể bạn có thể sử dụng nó để cách nhiệt không gian của mình. Nếu mắc kẹt ở một không gian nào đó hãy sử dụng chúng. Ví dụ: che cửa sổ xe ô tô khi bị mắc kẹt - chết máy trong điều kiện lạnh giá.
Giữ mát không gian
Tương tự như cách chăn khẩn cấp phản xạ nhiệt trở lại bạn, nó cũng có thể phản xạ nhiệt ra khỏi bạn. Nếu bạn đang cắm trại bằng lều và mặt trời đang chiếu thẳng xuống bạn, hãy đặt tấm chăn sáng bóng này lên phía trên lều. Nếu ở trong xe oto hãy đặt chúng trên mặt cửa kính xe. Bề mặt phản xạ nhiệt của nó sẽ phản chiếu sức nóng của mặt trời ra chỗ khác.
Dùng chăn khẩn cấp quấn quanh người trong môi trường nóng - nắng sẽ phản tác dụng. Vì nhiệt cơ thể sẽ giữ lại bên trong, hiệu ứng này sẽ bất lợi nhiều hơn là phản nhiệt lượng ra bên ngoài
Dùng chăn khẩn cấp để chắn gió và chống mưa
Được sản xuất với vật liệu chính là tấm PET phim hoặc là nylon nên chúng hoàn toàn kín và chống được nước và gió. Với khí hậu tại Việt Nam, trong điều kiện sinh tồn nếu gặp một cơn mưa giông bất chợt, bạn có thể dùng thay cho áo mưa tạm thời.
Tín hiệu cầu cứu
Bởi vì bề mặt của chăn sáng bóng nên nó là một tín hiệu SOS tốt. Bề mặt phản chiếu ánh sáng của nó dễ dàng nhìn thấy từ xa hay trực thăng hoặc thiết bị bay. Ở một số nước chăn khẩn cấp còn được in dòng chữ "SOS" ngay trên chăn - Việt Nam mình thì không có loại chăn in chữ này. Hiện nay, tại Việt Nam chăn khẩn cấp thường có kích thước 1,6m*2m hoặc 1,5m*2m.
Với một chút sáng tạo, bạn có thể tìm ra nhiều cách hơn nữa để sử dụng chăn khẩn cấp của mình.
#Kinh_Nghiệm, #Kỹ_Năng_Sinh_Tồn - #Kinh_Nghiệm_Sinh_Tồn, #Sức_Khỏe, #Survival
Đăng nhận xét for "Chăn Cứu Hộ Khẩn Cấp Là Gì - Cách Dùng Đúng Cách"